Xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình là tiêu chuẩn đánh giá gia đình văn hóa. Tiêu chuẩn này được xây dựng trên nền tảng giá trị truyền thống trong gia đình Việt Nam.
Tình cảm yêu thương, sự sẻ chia và chăm sóc đã tạo nét văn hóa truyền thống gia đình cho nhiều gia đình trẻ. Ảnh: THIÊN LÝ |
Giá trị truyền thống của gia đình bao gồm những chuẩn mực: đạo đức, tâm lý tình cảm, hành vi ứng xử... được các gia đình gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ và được mỗi thành viên tiếp thu, vận dụng vào cuộc sống.
Những giá trị cốt lõi
Gia đình bà Nguyễn Thị Hải ở phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa) là điển hình tiêu biểu, nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Với nhiều thế hệ cùng sinh sống vui vẻ, đầm ấm dưới một mái nhà, việc duy trì nếp sống văn hóa của gia đình bà Hải trong thời gian qua luôn được bà con hàng xóm ngưỡng mộ, noi theo.
Bà Hải chia sẻ: “Các thành viên trong gia đình tôi luôn đoàn kết và nỗ lực tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn hết, dù cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan nhưng các thành viên đều cố gắng giữ hòa khí ấm êm trong gia đình. Ông bà, cha mẹ trở thành những tấm gương soi trong từng lời nói, hành động và lối sống cho con cháu noi theo”.
Là người chồng luôn tin tưởng, yêu thương và chia sẻ với vợ từ việc nhỏ đến việc lớn trong gia đình, anh Nguyễn Anh Hiếu ở phường 7 (TP Tuy Hòa), cho rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận theo ý muốn của mình, và không phải cứ muốn hạnh phúc là có được. Vì vậy, để có hạnh phúc, vợ chồng anh Hiếu luôn nỗ lực, dồn tâm sức xây dựng và vun đắp nên.
“Theo tôi, để xây dựng gia đình hạnh phúc, vợ chồng phải luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau trong mọi việc; yêu thương, chăm sóc và vun vén cho tổ ấm nhỏ để làm gương cho các con. Đặc biệt là cả hai phải giữ kỷ luật, nguyên tắc trong việc dạy con và hình thành những thói quen tốt cho các con; hạn chế để các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, ti vi làm ảnh hưởng đến nếp sống của gia đình”, anh Hiếu nói.
Từ gia đình của bà Hải, anh Hiếu, cóthểthấy nhiều gia đình hiện nay đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tác động của cơ chế thị trường, của nhịp sống hiện đại. Với họ, chính tình cảm yêu thương, sự sẻ chia và chăm sóc đã tạo nét văn hóa truyền thống gia đình rất cần được gìn giữ và phát huy. Nền nếp gia phong trong cuộc sống hiện đại sẽ được bổ sung những yếu tố tiến bộ của xã hội văn minh như bình đẳng giới, sinh hoạt dân chủ trong gia đình...
Gắn với xây dựng gia đình văn hóa
TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) nhìn nhận: “Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển từ những chuẩn mực giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử.
Văn hóa ứng xử gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị truyền thống của người Việt Nam như: Sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, sự tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh em... Truyền thống gia đình người Việt đáng quý nhất là dạy con biết đối nhân xử thế, học trước hết phải học làm người, giáo dục đạo đức con người là gốc...
Đểxây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, phong trào, các cuộc vận động thiết thực. Trong đó, Sở VH-TT&DL đề nghị phòng VH-TT các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu gia đình, thôn/buôn/khu phố văn hóa bảo đảm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, lãnh đạo, đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp đóng vai trò quan trọng trong thanh, kiểm tra việc xét, công nhận các danh hiệu văn hóa; làm việc không đại khái, qua loa; biểu dương gương điển hình tiên tiến nhằm nhân rộng nếp sống văn hóa từ gia đình đến khu dân cư, xã hội một cách hiệu quả và thiết thực nhất.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Đồng Xuân cho biết: “Bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hằng năm tại các địa phương được thực hiện theo hình thức họp công khai trong từng thôn, khu phố dựa trên các tiêu chí đã quy định. Công tác bình xét được thực hiện nghiêm túc, dựa trên ý kiến thống nhất của tập thể.
Theo đó, những gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa phải đảm bảo tất cả các tiêu chí như: Thực hiện tốt quy định nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; gia đình không có người mắc tệ nạn xã hội như: mại dâm, ma túy, cờ bạc... Nếu thiếu hoặc thực hiện không đúng tiêu chí thì không được công nhận”.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có96,6% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 94,9% thôn/buôn/khu phố đạt danh hiệu văn hóa... Từ đó tạo nên các phong trào thi đua sôi nổi, cổ vũ và khuyến khích mỗi gia đình nỗ lực trong xây dựng một mái ấm hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, kinh tế phát triển. Không ít gia đình tiêu biểu trong các phong trào thi đua đã được các cấp biểu dương, là tấm gương để cộng đồng noi theo.
Các thành viên trong gia đình tôi luôn đoàn kết và nỗ lực tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn hết, dù cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan nhưng các thành viên đều cố gắng giữ hòa khí ấm êm trong gia đình. Ông bà, cha mẹ trở thành những tấm gương soi trong từng lời nói, hành động và lối sống cho con cháu noi theo.
Bà Nguyễn Thị Hải ở phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa |
THIÊN LÝ
Nguồn: baophuyen.vn
Các tin cùng chuyên mục:
- Phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch Phú Yên
- Ghềnh Đá Đĩa | Tuyệt Tác Của Thiên Nhiên Phú Yên | Cảnh Đẹp Việt Nam | Flycam 4K
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 2) | VTV Review
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 1) | VTV Review
- Hành trình khám phá Phú Yên, xứ sở Hoa Vàng Cỏ Xanh cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh
Liên kết hệ thống phần mềm
Liên kết các website
Thống kê truy cập