Người dân và du khách đến tham quan tại khu trưng bày. Ảnh: PHẠM THÙY
Bảo tàng Phú Yên vừa phối hợp với Bảo tàng Ninh Thuận tổ chức trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa tỉnh Ninh Thuận với 140 hiện vật, hình ảnh và tư liệu. Qua đó giúp người dân Phú Yên và du khách hiểu rõ hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của “miền sa thảo”, nhất là đời sống văn hóa của đồng bào Chăm.
Nhiều di sản văn hóa đặc sắc
Ninh Thuận là một trong những địa phương có nhiều di sản văn hóa Chăm tiêu biểu. Đặc biệt, ngày 29/11/2022, UNESCO đã ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Ninh Thuận vào danh sách văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đầu năm nay (ngày 18/1), Ninh Thuận có thêm 2 hiện vật là bia Phước Thiện và tượng thờ vua Pô Klong Garai được công nhận là bảo vật quốc gia.
Bia Phước Thiện được phát hiện vào năm 1992 tại một cánh đồng thuộc thôn Phước Thiện (xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), cách TP Phan Rang - Tháp Chàm 10km về phía Tây. Bia được làm bằng đá sa thạch cao, thân bia để khắc chữ có chiều cao là 78,8cm.
Còn tượng thờ vua Pô Klong Garai có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII, thuộc địa phận phường Đô Vinh, cách trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 6km về phía Tây. Tháp Pô Klong Garai để thờ vua Pô Klong Garai, đây là vị vua đa tài trị vì vương quốc Champa từ năm 1151-1205.
Theo ông Bá Văn Quyến, Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Ninh Thuận, những di sản văn hóa của Ninh Thuận được trưng bày tại Bảo tàng Phú Yên đến hết ngày 15/8, giúp người dân Phú Yên và du khách tham quan đến gần hơn với các di sản vùng miền; biết thêm về những di sản văn hóa tiêu biểu, những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của các dân tộc sinh sống tại tỉnh Ninh Thuận.
Đó là di sản Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 2 di tích quốc gia đặc biệt: Tháp Pô Klong Garai và Tháp Hòa Lai; 4 bảo vật quốc gia: Bia Hòa Lai, Bia Phước Thiện, Phù điêu Pô Rômê và Tượng vua Pô Klong Garai; 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn tỉnh Ninh Thuận; Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc; Nghi lễ đầu năm của làng Chăm Bỉnh Nghĩa; Lễ bỏ mả và ăn đầu lúa mới của người Raglai; Lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển Ninh Thuận...
Em Tăng Ngọc Tường Uyên ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Nhờ hoạt động trưng bày này, em có cơ hội khám phá những di sản văn hóa tiêu biểu của Ninh Thuận. Đây là một hoạt động trải nghiệm rất thực tế, giúp thế hệ trẻ hiểu nhiều hơn về lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào Chăm Ninh Thuận nói riêng và nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc”.
Còn theo ông Nguyễn Hoài Minh ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa): “Bây giờ tôi lớn tuổi rồi, đi lại khó khăn. Do đó, những hoạt động trưng bày di sản như thế này giúp tôi có thể chiêm ngưỡng tác phẩm, di sản văn hóa độc đáo, nhất là các bảo vật quốc gia; có thêm kiến thức, hiểu biết để giáo dục con cháu”.
Tăng cường giao lưu văn hóa
Ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên cho biết: Phú Yên hiện có hơn 23.000 người Chăm sinh sống cùng các dân tộc anh em. Trên địa bàn tỉnh còn lưu nhiều dấu tích, di vật thuộc văn hóa Champa như: Tháp Nhạn, Thành Hồ, phế tích tháp Núi Bà, phế tích tháp Phú Lâm, phù điêu Phật Tuy Hòa, phù điêu Phật đất nung chùa Hồ Sơn...
Cùng chung vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Ninh Thuận có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, được biểu hiện trên nhiều bình diện văn hóa phong phú, từ kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật đến ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, nghi lễ…
Hoạt động trưng bày chuyên đề này là chương trình hợp tác phát triển của 2 tỉnh Ninh Thuận và Phú Yên với mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của 2 địa phương. Qua đó góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Phú Yên - Ninh Thuận ngày càng bền chặt, sâu sắc hơn. Giám đốc Bảo tàng Phú Yên Nguyễn Hữu An |
Ngoài những giá trị tương đồng mang tính vùng miền, Ninh Thuận còn có những di sản văn hóa mang giá trị đặc thù, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Để phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là các bảo vật quốc gia, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực trong việc trùng tu, tôn tạo nhằm bảo đảm nguyên giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật và được kết nối thành cụm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.
“Hoạt động trưng bày này nhằm tăng cường tình đoàn kết, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, tạo sự kết nối vùng di sản, làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đồng thời là cơ hội nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiện nay”, ông An cho biết.
PHẠM THÙY
Nguồn: baophuyen.vn
Các tin cùng chuyên mục:
-
Đình Phú Nông: Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tín ngưỡng cộng đồng (02/09/2024)
-
Quê hương Phú Yên tươi đẹp (02/09/2024)
-
Nhà thờ Mằng Lăng - kiến trúc Gothic ở Phú Yên (02/09/2024)
-
Ấn tượng chương trình nghệ thuật chào mừng Tết Độc lập (01/09/2024)
-
Mang yêu thương đến người dân miền núi Sơn Hòa (01/09/2024)
- Phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch Phú Yên
- Ghềnh Đá Đĩa | Tuyệt Tác Của Thiên Nhiên Phú Yên | Cảnh Đẹp Việt Nam | Flycam 4K
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 2) | VTV Review
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 1) | VTV Review
- Hành trình khám phá Phú Yên, xứ sở Hoa Vàng Cỏ Xanh cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh
Liên kết hệ thống phần mềm
Liên kết các website
Thống kê truy cập