Với những kết quả đạt được của ngành Du lịch Phú Yên trong thời gian qua, Cục Du lịch quốc gia đánh giá Phú Yên là địa phương có bước chuyển biến tích cực, vươn lên trên mức trung bình chung cả nước. Phú Yên còn nhiều dư địa để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với những tài nguyên quý, độc đáo, có thể hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng.
Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn TS Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia xung quanh việc định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhân dịp ông đến Phú Yên công tác.
TS Hà Văn Siêu |
* Thưa tiến sĩ, ông có thể đánh giá khái quát về bức tranh phát triển du lịch Phú Yên trong những năm gần đây?
- Qua theo dõi và đánh giá từ cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về du lịch trên bình diện chung cả nước, nhìn chung có thể thấy du lịch Phú Yên thời gian qua đã có bước chuyển mình tích cực, vươn lên trên mức trung bình chung cả nước.
Quy hoạch, đầu tư được đẩy mạnh, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, nhận thức về du lịch cải thiện rõ rệt, hình ảnh du lịch Phú Yên đã được hình thành. Phú Yên được biết đến nhiều hơn, vùng đất hoa vàng cỏ xanh, một điểm đến mới nổi đang là lựa chọn của những dòng khách du lịch mới. Nhiều địa danh, sản phẩm du lịch trở thành từ khóa được số đông tìm kiếm.
Những con số thống kê, báo cáo cho thấy ngành Du lịch Phú Yên đang đóng góp ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ở đây, du lịch không chỉ thể hiện ở các con số về lượng khách, tổng thu về du lịch, việc làm đơn thuần mà nhìn lại cả quá trình thì hoạt động du lịch đã dần đi vào tiềm thức xã hội, dần hình thành văn hóa điểm đến Phú Yên. Du lịch vừa đóng góp vào phát triển kinh tế vừa đang từng bước khơi dậy sự tự hào cho người dân khi có những dòng khách đến với Phú Yên.
* Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Chương trình hành động 09 về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Ông đánh giá thế nào về chương trình hành động này?
- Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với ngành Du lịch tỉnh nhà thông qua chương trình hành động này. Có thể nói, Phú Yên đã nắm bắt đúng và trúng chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 82 và Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ về phục hồi và phát triển du lịch toàn diện, hiệu quả, bền vững.
Đi thuyền thúng khám phá Hòn Yến và cùng ngư dân bản địa trải nghiệm làng nghề chài lưới. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Ở đây, vai trò của cơ quan chuyên môn ngành tham mưu cho UBND tỉnh đã bám sát đúng bối cảnh tình hình giai đoạn vừa qua cả nước oằn mình vượt qua đại dịch, tìm giải pháp thích ứng, coi du lịch là động lực lan tỏa thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, các ngành liên quan đã đồng loạt vào cuộc cùng với ngành VHTT&DL, nhờ vậy Chương trình hành động 09 đã thu được những kết quả đạt và vượt yêu cầu đề ra.
Qua đây có thể thấy 3 vấn đề được thể hiện rõ: Thứ nhất là về cách làm, cách triển khai; thứ hai là thể hiện quyết tâm chính trị và thứ ba là kết quả đạt được. Kết quả tuy chưa được như kỳ vọng, nhưng rất đáng khích lệ để tiếp tục đầu tư phát triển du lịch vào vị trí xứng tầm trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và bản đồ du lịch tương quan với các địa phương trong cả nước.
* Trong bối cảnh hiện nay và xu hướng phát triển du lịch, Phú Yên cần đầu tư phát triển như thế nào để đảm bảo quy hoạch và đúng định hướng?
- Bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trên cơ sở dự thảo chương trình hành động giai đoạn tới, bám sát chủ trương, tinh thần chỉ đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như đánh giá đúng và thích ứng với những xu hướng mới của du lịch trong nước và quốc tế, du lịch Phú Yên cần tập trung tiếp tục đổi mới thể chế và nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, thực hiện theo định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch hệ thống du lịch giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó coi chất lượng trải nghiệm của du khách là trung tâm.
Ở đây, Phú Yên cần xác định chiến lược riêng cho mình bằng tư duy nền tảng trên cơ sở nghiên cứu thị trường, nhu cầu khách du lịch, thực hành sống chậm, tận hưởng chất lượng dịch vụ, cuộc sống, không gian sống trải nghiệm…
Xây dựng mô hình sản phẩm du lịch với đặc trưng riêng có của Phú Yên, tiếp cận theo quan điểm bền vững, hình thành và quảng bá về một phong cách tận hưởng cuộc sống theo kiểu Phú Yên (vừa Phú: đậm chất, sâu sắc, giàu trải nghiệm, đa dạng; vừa Yên: hài hòa, yên bình, an tâm, tĩnh tại, giao hòa thiên nhiên và con người).
Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa luôn thu hút du khách. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Tỉnh cũng cần đánh giá tính cân đối, bền vững và hiệu quả của các dự án đầu tư phát triển, tránh thiên lệch về cơ sở lưu trú (bất động sản) mà thiếu những ý tưởng đầu tư phát huy giá trị sinh thái và văn hóa của vùng đất, con người Phú Yên làm gia tăng giá trị, làm phong phú trải nghiệm cho du khách: vui chơi giải trí, khám phá, trải nghiệm nông nghiệp, làng nghề, sự kiện, thể thao... Đồng thời cần đầu tư vào phần mềm như ứng dụng công nghệ, xúc tiến quảng bá, tiếp cận thị trường, đào tạo nhân lực.
Các đề án, dự án ưu tiên phát triển đề xuất trong chương trình hành động, kế hoạch không nên quá dàn trải mà phải xác định rõ phần việc chính quyền làm tập trung vào những dự án hạ tầng mang tính khơi mở và xây dựng cơ chế chính sách. Tạo điều kiện và khuyến khích tư nhân đầu tư; phê duyệt đảm bảo cân đối các mục tiêu và chức năng; ưu tiên những dự án xanh, bền vững, phát huy được văn hóa địa phương, có khả năng ứng dụng công nghệ.
Phú Yên cần xác định chiến lược riêng cho mình bằng tư duy nền tảng trên cơ sở nghiên cứu thị trường, nhu cầu khách du lịch, thực hành sống chậm, tận hưởng chất lượng dịch vụ, cuộc sống, không gian sống trải nghiệm… Đồng thời xây dựng mô hình sản phẩm du lịch với đặc trưng riêng có của Phú Yên… TS Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia |
Phú Yên cần thực hiện các dự án có tính chất chìa khóa như hạ tầng, công nghệ, phát triển nhân lực và hỗ trợ cộng đồng, cần xác định sản phẩm đặc thù, những lợi thế. Đối với Phú Yên, có thể thấy những yếu tố đặc thù để phát triển sản phẩm du lịch là: văn hóa, lợi thế về biển đảo, ẩm thực (trong đó nổi bật là cá ngừ đại dương), danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa…; nên thuê tư vấn chuyên nghiệp, lập dự án, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá để thu hút đầu tư, cần có một tổng đạo diễn cho chương trình phát triển du lịch của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cần thực hiện đồng bộ tương thích giữa phát triển sản phẩm với quảng bá điểm đến; phát triển sản phẩm của doanh nghiệp phải hợp tác với quảng bá điểm đến của tỉnh. Xây dựng lộ trình để nâng cấp cảng hàng không Tuy Hòa kết nối quốc tế.
Nghiên cứu hình thành sự kiện mang tầm vóc thương hiệu quốc gia, quốc tế, có thể nghĩ đến lễ hội cá ngừ đại dương Phú Yên một cách quy mô. Khuyến khích hình thành các sự kiện do doanh nghiệp, cộng đồng tổ chức diễn ra thường xuyên, mang tính định kỳ, có kế hoạch quảng bá giới thiệu từ sớm để thu hút du khách…
* Xin cảm ơn ông!
TRẦN QUỚI (thực hiện)
Các tin cùng chuyên mục:
-
Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng (03/11/2024)
-
Đến với Phú Yên (03/11/2024)
-
Khơi thông nguồn lực, tạo động lực phát triển địa phương (27/10/2024)
-
Tháng 9, khách du lịch tăng 32% so với cùng kỳ (13/10/2024)
-
Về Sông Hinh trải nghiệm vườn cây ăn trái, khám phá văn hóa cồng chiêng (13/10/2024)
- Phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch Phú Yên
- Ghềnh Đá Đĩa | Tuyệt Tác Của Thiên Nhiên Phú Yên | Cảnh Đẹp Việt Nam | Flycam 4K
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 2) | VTV Review
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 1) | VTV Review
- Hành trình khám phá Phú Yên, xứ sở Hoa Vàng Cỏ Xanh cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh
Liên kết hệ thống phần mềm
Liên kết các website
Thống kê truy cập