Một tiết mục trong chương trình tuyên truyền về hôn nhân và gia đình tại xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa). Ảnh: THIÊN LÝ
Thời gian qua, nhiều địa phương chú trọng nâng cao chất lượng tuyên truyền công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) bằng nhiều hình thức; trong đó sân khấu hóa là hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả thiết thực.
Các vở kịch ngắn, kịch vui, các tiểu phẩm về đề tài gia đình và phòng, chống BLGĐ góp phần lan tỏa và nhân rộng các thông điệp nhân văn, yêu thương, sẻ chia, cùng chung tay xây dựng gia đình bình an, xã hội hạnh phúc. Thông qua đó, nhận thức và hành động của nhiều người dần thay đổi.
Dễ hiểu, dễ nhớ
Trong hoạt động tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ tại nhiều địa phương, ban tổ chức luôn chú trọng tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa. Qua các tiểu phẩm được thể hiện trên sân khấu, khán giả được cung cấp những nội dung liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới. Trong đó có câu chuyện về một số thanh niên kết hôn trước 18 tuổi đối với nữ và trước 20 tuổi đối với nam; các vụ BLGĐ xảy ra xung quanh gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; những kế hoạch, hoạt động phòng, chống BLGĐ đến nhà trường và xã hội...
Vào vai diễn trong một tiểu phẩm về nạn tảo hôn, anh Y Khoan ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: “Kịch bản dựa trên những câu chuyện mà thực tế đang diễn ra tại địa phương. Với nội dung kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật, tôi mong muốn góp phần lan tỏa thông điệp văn hóa ứng xử văn minh trong gia đình thời hiện đại, xây dựng xã hội hạnh phúc”.
Bên cạnh Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, các nội dung về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, kiến thức về giáo dục đời sống gia đình và xây dựng gia đình văn hóa... cũng đã được lồng ghép khéo léo vào các vở kịch, tiểu phẩm. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, nhiều đạo diễn chương trình đã trang bị thêm đạo cụ, trang phục; bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống trong tiểu phẩm cho các diễn viên, phù hợp với từng vai diễn.
Mé Be ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) tâm đắc: “Xem những buổi truyền thông trên sân khấu qua các tiết mục văn nghệ, hài kịch như thế này rất thú vị. Bà con chúng tôi có thể nắm bắt và nhớ kỹ hơn các quy định pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tôi biết được độ tuổi kết hôn để giúp con cái thực hiện việc cưới xin theo đúng quy định của pháp luật”.
Còn chị Lê Thị Trúc ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) chia sẻ: “Từ việc xem các tiểu phẩm về hôn nhân gia đình, tôi có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm để cùng chồng nuôi dạy con cái, giữ lửa hạnh phúc. Tôi cũng mong rằng mỗi gia đình, nhất là những gia đình trẻ càng biết yêu thương, trân trọng và nói không với bạo lực từ chính gia đình của mình”.
Chuyển biến tích cực
Những năm gần đây, tuyên truyền bằng sân khấu hóa được các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức, đem lại hiệu quả thiết thực. Hình thức tuyên truyền này thu hút đông đảo người dân tham gia, nhất là các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về công tác gia đình và phòng chống BLGĐ. Qua đó nâng cao ý thức tìm hiểu pháp luật cho người dân; tuyên truyền, phổ biến những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới... đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Theo ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, hiện có nhiều hình thức đưa pháp luật đến với người dân như tuyên truyền miệng; tư vấn, trợ giúp pháp lý; hòa giải ở cơ sở; sân khấu hóa... Trong đó, hình thức sân khấu hóa mang lại hiệu quả thiết thực. “Phổ biến công tác gia đình và phòng chống BLGĐ thông qua hình thức sân khấu hóa làm mềm hóa những quy định khô cứng trong các văn bản luật. Người dân cũng hứng thú hơn khi vừa được xem biểu diễn các tiết mục hài kịch, hò, vè, vừa được nghe tuyên truyền về hôn nhân, gia đình... Đây là cầu nối quan trọng để đưa pháp luật đến với người dân một cách gần gũi, thuận lợi nhất”, ông Tình nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Trong những năm qua, việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, như: Xây dựng các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện, tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông kiến thức, đặc biệt là thông qua các câu chuyện, tiểu phẩm, kịch bản được dàn dựng công phu. Những việc này đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ trên phạm vi toàn tỉnh.
Hiện Phú Yên có hơn 300 CLB Gia đình phát triển bền vững và đội nhóm phòng, chống BLGĐ được thành lập. Qua hình thức lồng ghép sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú, nhất là hình thức sân khấu hóa, các CLB, đội nhóm này đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt để xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
THIÊN LÝ
Nguồn: baophuyen.vn
Các tin cùng chuyên mục:
-
Khi người trẻ biết quý trọng gia đình (03/11/2024)
-
Xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc (26/09/2024)
-
Tập huấn quản lý nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cho hơn 250 cán bộ (26/09/2024)
-
Hội thảo chuyên đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” (26/09/2024)
-
Hòa thuận để gia đình phát triển bền vững (26/09/2024)
- Phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch Phú Yên
- Ghềnh Đá Đĩa | Tuyệt Tác Của Thiên Nhiên Phú Yên | Cảnh Đẹp Việt Nam | Flycam 4K
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 2) | VTV Review
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 1) | VTV Review
- Hành trình khám phá Phú Yên, xứ sở Hoa Vàng Cỏ Xanh cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh
Liên kết hệ thống phần mềm
Liên kết các website
Thống kê truy cập