Gia đình là tế bào của xã hội, là chỗ dựa tinh thần và vật chất, là nơi để mỗi thành viên thể hiện, bày tỏ tình yêu thương, chia sẻ. Tuy nhiên hiện nay, một thực trạng rất đáng báo động, là bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và tiềm ẩn trong các gia đình Việt nói chung và ở Phú Yên nói riêng.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) Hoa Hữu Vân phổ biến công tác gia đình cho các học viên. Ảnh: THIÊN LÝ |
Tại hội nghị tập huấn phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình năm 2023 do Sở VH-TT&DL tổ chức, các học viên đã được phổ biến nhiều kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), nhằm góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Nguyên nhân sâu xa
Phần lớn các vụ BLGĐ xảy ra do mâu thuẫn vợ chồng, cha mẹ, dẫn đến bất hòa trong cuộc sống. BLGĐ không còn đơn thuần chỉ là hành vi đánh đập ngược đãi về thể xác, tinh thần, tình dục, kinh tế... mà còn là hành vi phạm tội nghiêm trọng. Bạo lực không chỉ phát sinh ở các gia đình học vấn thấp mà còn có ở các gia đình học vấn cao; không chỉ ở những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn mà còn nảy sinh ở những gia đình điều kiện kinh tế tốt; và không chỉ ở những đôi vợ chồng mới kết hôn mà còn có cả những đôi vợ chồng sống cùng nhau hàng chục năm.
Anh Đào Duy Xuân, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) cho rằng, mặc dù BLGĐ thường được châm ngòi từ những yếu tố như: rượu chè, ma túy, cờ bạc, thất nghiệp, ghen tuông, nhưng không phải là nguyên nhân gốc rễ. “Bất bình đẳng giới được xem là nguyên nhân gốc rễ gây ra bạo lực trong gia đình. Xã hội vẫn tồn tại những quan niệm bất bình đẳng giới trong gia đình, nhất là định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Hơn nữa, cộng đồng và xã hội vẫn coi BLGĐ là vấn đề riêng tư của mỗi gia đình và xã hội không nên can thiệp”, anh Xuân cho biết.
Theo điều tra về gia đình Việt Nam do Bộ VH-TT&DL công bố năm 2013, tình trạng bạo lực của chồng gây ra cho vợ là: 25,1% bạo lực tinh thần; 8,5% bạo lực thể chất; 2,9% bạo lực tình dục và 4,6% bạo lực kinh tế. Đến năm 2021, cả nước có khoảng 26,9 triệu hộ gia đình, trong đó xảy ra 4.967 vụ BLGĐ. Tại Phú Yên, năm 2020 xảy ra 94 vụ BLGĐ; năm 2021 là 51 vụ. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ việc bạo lực trẻ em. Các vụ việc có tính chất nghiêm trọng gây bức xúc lớn đối với dư luận xã hội. Riêng Phú Yên, chưa xảy ra trường hợp bạo lực dẫn đến tử vong.
Cần sự chung tay
Trước thực trạng BLGĐ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp hiệu quả phòng chống, qua đó tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc ngăn chặn và giảm dần số vụ và mức độ nghiêm trọng, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Trong những năm qua, việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, như: tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng môi trường gia đình - cộng đồng - xã hội an toàn, lành mạnh… Các hoạt động này tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các ngành, các cấp, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác gia đình và PCBLGĐ; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong hội nghị tập huấn phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình năm 2023, lãnh đạo các phòng VH-TT; trưởng thôn, khu phố, cán bộ văn hóa xã hội của các xã, phường, thị trấn đã được phổ biến các chuyên đề như: Luật PCBLGĐ; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới giai đoạn 2021-2030; chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Bộ tiêu chí văn hóa ứng xử trong gia đình...
Chị Nguyễn Thị Mỹ Chi, cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh, dân số, gia đình và trẻ em phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Tham gia hội nghị tập huấn này, tôi được cập nhật thêm nhiều văn bản luật, quyết định, kế hoạch, chương trình cũng như tiếp thu nhiều kiến thức mới, kỹ năng thực hiện công tác gia đình. Từ đó nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và Luật PCBLGĐ nói riêng qua các tin, bài trên đài truyền thanh địa phương”.
Tại buổi tập huấn, chuyên viên cao cấp, ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) cho rằng: “Cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân cần vào cuộc hơn nữa để công tác gia đình và PCBLGĐ đạt hiệu quả. Hơn hết, mỗi người phải có nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hóa; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; trở thành tấm gương sáng trong lao động sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, hòa thuận, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương...”.
Hơn hết, mỗi người phải có nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hóa; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; trở thành tấm gương sáng trong lao động sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, hòa thuận, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương...
ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) |
THIÊN LÝ
Nguồn: baophuyen.vn
Các tin cùng chuyên mục:
-
Khi người trẻ biết quý trọng gia đình (03/11/2024)
-
Xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc (26/09/2024)
-
Tập huấn quản lý nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cho hơn 250 cán bộ (26/09/2024)
-
Hội thảo chuyên đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” (26/09/2024)
-
Hòa thuận để gia đình phát triển bền vững (26/09/2024)
- Phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch Phú Yên
- Ghềnh Đá Đĩa | Tuyệt Tác Của Thiên Nhiên Phú Yên | Cảnh Đẹp Việt Nam | Flycam 4K
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 2) | VTV Review
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 1) | VTV Review
- Hành trình khám phá Phú Yên, xứ sở Hoa Vàng Cỏ Xanh cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh
Liên kết hệ thống phần mềm
Liên kết các website
Thống kê truy cập