Bảo tàng Phú Yên hiện đang lưu giữ và trưng bày một bộ sưu tập con dấu (triện ký) của các cấp chính quyền địa phương ở Phú Yên thời Nguyễn. Sưu tập hiện vật này được Bảo tàng mua lại từ một người làm nghề mua bán phế liệu vào tháng 12/1998. Trước đó, các con dấu được những người rà tìm phế liệu phát hiện. Bộ sưu tập gồm có 73 hiện vật, tất cả đều có chất liệu bằng đồng và được chế tạo bằng kỹ thuật đúc.
Phân loại con dấu trong bộ sưu tập
Căn cứ vào đặc điểm, hình dạng của từng con dấu và căn cứ vào kết quả phiên dịch chữ Hán ở mặt các con dấu, có thể phân thành 7 loại như sau:
Con dấu của Chánh tổng: 1 hiện vật
Con dấu này có đặc điểm: Mặt dấu hình bầu dục, kích thước 6cm x 4cm; độ dày từ mặt dấu đến lưng dấu 0,7cm; núm dấu (chuôi, tay cầm) có dạng hình trụ chữ nhật, cạnh lõm ở giữa, cao 2,1cm. Phần lưng dấu và núm dấu không có hoa văn, họa tiết; trên chóp núm khắc chìm hai chữ Sơn Lạc bằng chữ Hán (dạng chữ chân). Mặt dấu chia làm hai phần: phần viền ngoài đề “P. PHU YEN – H. SON HOA – CHEF CANTON DE SON LAC”; phần vòng trong có 6 chữ Hán (dạng chữ chân) xếp thành hai cột dọc, cột bên phải đề “Sơn Lạc tổng”, cột bên trái đề “Chánh tổng ký”.
Những nội dung thể hiện trên con dấu cho biết đây là con dấu của Chánh tổng tổng Sơn Lạc thuộc huyện Sơn Hòa.
Dấu của Chánh tổng Sơn Lạc, huyện Sơn Hòa
Con dấu của Phó tổng: 2 hiện vật
Hai con dấu này có đặc điểm chung như sau: Mặt dấu hình vuông, kích thước 2,9cm x 2,9cm; độ dày từ mặt dấu đến lưng dấu 0,4cm; núm dấu có dạng hình trụ chữ nhật, cạnh lõm ở giữa, cao 1,6cm. Phần lưng dấu và núm dấu không có hoa văn, họa tiết và không có văn tự. Mặt dấu chia làm hai phần: phần viền ngoài đề địa danh hành chính gồm: tên tổng, tên phủ hoặc huyện là cấp trên của tổng đó, tên tỉnh và hai chữ Phó tổng bằng chữ Quốc ngữ (dạng chữ hoa không dấu); phần khung trong có 6 chữ Hán (dạng chữ chân) xếp thành hai cột dọc, cột bên phải đề tên tổng, cột bên trái đề “Phó tổng ký”.
Những nội dung thể hiện ở mặt dấu cho biết đây là con dấu của Phó tổng các tổng: An Vinh thuộc phủ Tuy An và Sơn Lạc thuộc huyện Sơn Hòa.
Con dấu của Lý trưởng: 16 hiện vật
Gồm Lý trưởng các thôn: Giai Sơn, Phong Phú, Tuy Dương, Quang Phú, Hội Đức, Hội Sơn, Mỹ Huân, Mỹ Phú, Phú Điềm thuộc tổng An Vinh phủ Tuy An; Phước Đồng thuộc tổng An Hải phủ Tuy An; Thọ Lâm thuộc tổng Hòa Đa phủ Tuy Hòa; Lạc Điền, Tịnh Thọ thuộc tổng Sơn Lạc huyện Sơn Hòa. Ngoài ra, còn có 3 hiện vật do mặt dấu quá mòn, nét chữ không còn rõ nên không xác định được tên thôn.
Loại con dấu này có đặc điểm chung như sau: Mặt dấu hình chữ nhật, kích thước 4,5cm x 3cm; độ dày từ mặt dấu đến lưng dấu 0,6cm. Núm dấu có hai dạng: dạng hình trụ chữ nhật, cạnh lõm ở giữa, cao 2,7cm (chiếm đa số); dạng hình trụ vuông, cạnh thẳng, cao 1,8cm (chỉ có một số ít). Ở phần núm và lưng dấu không có hoa văn, họa tiết; một số trường hợp trên chóp núm có khắc chìm tên thôn nơi sử dụng con dấu bằng chữ Hán (dạng chữ chân). Mặt dấu chia làm hai phần: phần viền ngoài đề địa danh hành chính gồm: tên thôn, tên tổng, tên phủ hoặc huyện, tên tỉnh bằng chữ Quốc ngữ (dạng chữ hoa không dấu); phần khung trong có 6 chữ Hán (dạng chữ chân) xếp thành hai cột dọc, cột bên phải đề tên thôn, cột bên trái đề “Lý trưởng ký”.
Trong số 16 con dấu của Lý trưởng, có một trường hợp cá biệt là con dấu của Lý trưởng thôn Phước Đồng có đặc điểm khác với các con dấu còn lại. Con dấu này có kích thước mặt dấu 4,2cm x 2,3cm; độ dày từ mặt dấu đến lưng dấu 0,6cm; núm dấu cao 2cm; mặt dấu thể hiện bằng chữ triện. Đây cũng là con dấu duy nhất trong bộ sưu tập con dấu tại Bảo tàng Phú Yên có mặt dấu thể hiện bằng loại chữ này.
Dấu của Lý trưởng thôn Hội Sơn, tổng An Vinh, phủ Tuy An
Con dấu của Phó lý: 3 hiện vật
Gồm Phó lý các thôn: Giai Sơn, Phú Hòa, Tân Định thuộc tổng An Vinh phủ Tuy An.
Loại con dấu này có đặc điểm chung như sau: Mặt dấu hình vuông, kích thước 3,2cm x 3,2cm; độ dày từ mặt dấu đến lưng dấu 0,8cm; núm dấu có dạng hình trụ chữ nhật, cạnh lõm ở giữa, cao 1,6cm. Phần lưng dấu và núm dấu không có hoa văn, họa tiết và không có văn tự. Mặt dấu chia làm hai phần: phần viền ngoài đề địa danh hành chính gồm: tên thôn, tên tổng, tên phủ hoặc huyện, tên tỉnh bằng chữ Quốc ngữ (dạng chữ hoa không dấu); phần khung trong có 6 chữ Hán (dạng chữ chân) xếp thành hai cột dọc, cột bên phải đề tên thôn, cột bên trái đề “Phó lý ký”.
Con dấu của Chánh Ban trưởng Thường trực ban: 21 hiện vật
Gồm Chánh Ban trưởng Thường trực ban các thôn: Nhơn Sơn, Tuy Dương, Hòa Đa, Diêm Hội, Hội Đức, Phước Hậu, Phong Phú, Phú Long, Phú Thường, Mỹ Phú, Hội Sơn, Mỹ Thạnh, Quang Phú, Mỹ Huân, Phú Điềm, Tân Định thuộc tổng An Vinh phủ Tuy An; Phước Đồng thuộc tổng An Hải phủ Tuy An; Ngọc Lãng thuộc tổng Hòa Bình phủ Tuy Hòa; Phú Hiệp, Thọ Lâm thuộc tổng Hòa Đa phủ Tuy Hòa; Mỹ Thành thuộc tổng Hòa Lộc phủ Tuy Hòa.
Loại con dấu này có đặc điểm chung như sau: Mặt dấu hình vuông, kích thước 3,2cm x 3,2cm; độ dày từ mặt dấu đến lưng dấu 1cm; núm dấu có dạng hình trụ chữ nhật, cạnh lõm ở giữa, cao 1,6cm. Phần lưng dấu và núm dấu không có hoa văn, họa tiết và không có văn tự. Mặt dấu chia làm hai phần: phần viền ngoài đề địa danh hành chính gồm: tên thôn, tên tổng, tên phủ hoặc huyện, tên tỉnh bằng chữ Quốc ngữ (dạng chữ hoa không dấu); phần khung trong có 9 chữ Hán (dạng chữ chân) xếp thành ba cột dọc, cột bên phải đề tên thôn, cột ở giữa đề “Thường trực ban”, cột bên trái đề “Chánh Ban trưởng”.
Con dấu của Hương bản: 18 hiện vật
Gồm Hương bản các thôn: Diêm Hội, Phước Hậu, Nhơn Sơn, Hòa Đa, Mỹ Phú, Quang Phú, Phú Long, Tân Định, Mỹ Thạnh, Giai Sơn, Tuy Dương, Phong Phú, Phú Hòa, Hội Đức thuộc tổng An Vinh phủ Tuy An; Phước Đồng thuộc tổng An Hải phủ Tuy An; Thọ Lâm thuộc tổng Hòa Đa phủ Tuy Hòa; Đông Phước thuộc tổng Hòa Bình phủ Tuy Hòa; Lạc Hiên thuộc tổng Sơn Lạc huyện Sơn Hòa.
Loại con dấu này có đặc điểm chung như sau: Mặt dấu hình vuông, kích thước 3,2cm x 3,2cm; độ dày từ mặt dấu đến lưng dấu 1cm; núm dấu có dạng hình trụ chữ nhật, cạnh lõm ở giữa, cao 1,6cm. Phần lưng dấu và núm dấu không có hoa văn, họa tiết và không có văn tự. Mặt dấu chia làm hai phần: phần viền ngoài đề địa danh hành chính gồm: tên thôn, tên tổng, tên phủ hoặc huyện, tên tỉnh bằng chữ Quốc ngữ (dạng chữ hoa không dấu); phần khung trong có 6 chữ Hán (dạng chữ chân) xếp thành hai cột dọc, cột bên phải đề tên thôn, cột bên trái đề “Hương bản ký”.
Con dấu của Hương bộ: 12 hiện vật
Gồm Hương bộ các thôn: Phong Phú, Phú Hòa, Tân Định, Phú Điềm, Diêm Hội, Mỹ Thạnh, Giai Sơn thuộc tổng An Vinh phủ Tuy An; Quảng Phú thuộc tổng Hòa Mỹ phủ Tuy Hòa; Phú Lễ thuộc tổng Hòa Đa phủ Tuy Hòa; Ngọc Lãng thuộc tổng Hòa Bình phủ Tuy Hòa; Tịnh Thọ, Trường Lạc thuộc tổng Sơn Lạc huyện Sơn Hòa.
Loại con dấu này có đặc điểm chung như sau: Mặt dấu hình bầu dục, kích thước 4,5cm x 3cm; độ dày từ mặt dấu đến lưng dấu 0,6cm; núm dấu có dạng hình trụ chữ nhật, cạnh lõm ở giữa, cao 1,9cm. Phần lưng dấu và núm dấu không có hoa văn, họa tiết; trên chóp núm khắc chìm chữ Thượng bằng chữ Hán (dạng chữ chân) với tác dụng giúp xác định đúng chiều của con dấu khi đóng dấu. Mặt dấu chia làm hai phần: phần viền ngoài đề địa danh hành chính gồm: tên tổng, tên phủ hoặc huyện, tên tỉnh bằng chữ Quốc ngữ (dạng chữ hoa không dấu); phần vòng trong đề tên thôn và chức quan (Hương bộ) bằng cả chữ Quốc ngữ và chữ Hán xếp theo hàng ngang (bên trên là chữ Quốc ngữ, bên dưới là chữ Hán).
Dấu của Hương bộ thôn Phú Lễ, tổng Hòa Đa, phủ Tuy Hòa
Về các chức vụ liên quan được đề cập trong bộ sưu tập
Chánh tổng: là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cai quản một tổng. Tổng là đơn vị hành chính dưới cấp huyện hoặc phủ, bao gồm nhiều thôn, xã hợp thành. Chức Chánh tổng do Tri phủ hoặc Tri huyện chịu trách nhiệm tiến cử. Chánh tổng được chọn từ hàng ngũ Lý trưởng, căn cứ vào khả năng làm việc và phẩm chất; được chính quyền cấp tỉnh cấp bằng và con dấu để làm việc.
Phó tổng: là cấp phó giúp việc cho Chánh tổng.
Lý trưởng: là chức dịch đứng đầu bộ máy hành chính cấp thôn, xã; đại diện chính thức về mặt pháp lý của thôn, xã; chịu trách nhiệm về mọi mặt trước Chánh tổng. Lý trưởng do dân cử, được chính quyền cấp tỉnh công nhận và cấp con dấu, thẻ bài để làm việc. Lý trưởng điều hành thực hiện công việc trong địa phương mình trên cơ sở có sự bàn bạc và quyết định của Hội đồng Kỳ mục (tổ chức này bao gồm các thành phần: thân hào, nhân sỹ, những người có uy tín trong địa phương). Giúp việc cho Lý trưởng có Phó lý và Ngũ hương. Ngũ hương gồm: Hương bộ trong coi hộ tịch, ruộng đất; Hương bản quản lý tài sản, ngân sách; Hương kiểm lo việc an ninh, trật tự; Hương mục trong coi đường sá, cầu cống; Hương dịch lo việc phục vụ các cuộc hội họp, lễ nghi.
Phó lý: là một hương chức giúp việc cho Lý trưởng. Chức dịch này được chỉ định, không phải dân cử như Lý trưởng.
Chánh Ban trưởng Thường trực ban: Thường trực ban là tổ chức được Hội đồng Kỳ mục ủy thác giải quyết công việc thường ngày ở thôn, xã. Thường trực ban có số lượng khoảng 4 đến 7 người, cũng có thể nhiều hoặc ít hơn tùy vào mỗi thôn, xã. Người đứng đầu Thường trực ban là Chánh Ban trưởng.
Hương bản: là một chức dịch trong Ngũ hương, có nhiệm vụ quản lý tài sản, ngân sách; làm việc dưới sự điều hành của Lý trưởng.
Hương bộ: là một chức dịch trong Ngũ hương, có nhiệm vụ quản lý hộ tịch, ruộng đất; làm việc dưới sự điều hành của Lý trưởng.
Về niên đại bộ sưu tập
Trên tất cả các con dấu không để thời gian chế tạo, vì vậy không thể xác định được niên đại tuyệt đối. Tuy vậy, vẫn có thể xác định được niên đại tương đối dựa trên các tiêu chí sau:
Căn cứ vào các loại chữ thể hiện ở mặt dấu: Qua xử lý và phân loại cho thấy hầu hết các con dấu đều thể hiện hai loại chữ, đó là chữ Hán và chữ Quốc ngữ; có một trường hợp dùng chữ Hán và chữ Pháp. Các nhà nghiên cứu về lĩnh vực ấn chương học đã xác định: loại hình con dấu vừa có chữ Hán, vừa có chữ Quốc ngữ hoặc chữ Pháp chỉ xuất hiện từ đời vua Đồng Khánh (1885-1888) trở về sau.
Căn cứ vào địa danh trong các con dấu: Ở Phú Yên, năm 1899 các đơn vị hành chính phủ Tuy An và huyện Sơn Hòa mới được thành lập. Đây cũng là thời điểm thành lập các tổng An Vinh, An Hải (phủ Tuy An), Sơn Lạc (huyện Sơn Hòa). Như vậy, nhóm các con dấu có đề cập đến các địa danh này thì chắc chắn được đúc từ sau năm 1899. Các con dấu khác không đề cập đến các địa danh đó nhưng qua so sánh cho thấy có những điểm chung về đặc điểm, kích thước, kỹ thuật chế tạo và cách bố trí nội dung ở mặt dấu, nên vẫn có thể xác định là có cùng niên đại.
Trên cơ sở đó, có thể xác định toàn bộ các con dấu trong bộ sưu tập đều được chế tạo vào khoảng thời gian sau năm 1899, được sử dụng ở các cấp chính quyền địa phương (tổng, thôn) tại tỉnh Phú Yên trong giai đoạn cuối của triều Nguyễn. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, bộ máy chính quyền triều Nguyễn không còn tồn tại, những con dấu này cũng không còn giá trị pháp lý.
Một số nhận xét khác
Bộ sưu tập con dấu là cứ liệu mang tính xác thực để tìm hiểu về bộ máy chính quyền địa phương thời Nguyễn giai đoạn từ sau năm 1899 đến năm 1945, với những thiết chế hành chính ở cấp tổng, thôn và cách tổ chức điều hành hoạt động của bộ máy chính quyền ở các cấp này.
Mỗi chức vụ có mỗi kiểu con dấu khác nhau về hình thức. Con dấu của Lý trưởng có mặt dấu hình chữ nhật; con dấu của Chánh tổng có mặt dấu hình bầu dục kích thước lớn (6cm x 4cm); con dấu của Hương bộ có mặt dấu hình bầu dục kích thước nhỏ (4,5cm x 3cm); con dấu của Phó tổng, Phó lý, Hương bản và Chánh Ban trưởng Thường trực ban tuy đều có mặt dấu hình vuông nhưng vẫn có điểm khác nhau, đó là độ dày mỏng của phần đế dấu, số lượng chữ Hán và cách sắp xếp chữ ở mặt dấu.
Bộ sưu tập con dấu có giá trị đối với việc nghiên cứu về hệ thống địa danh hành chính ở Phú Yên trước năm 1945. Mặc dù phản ánh chưa đầy đủ, nhưng qua đó giúp nhận diện được nhiều địa danh cổ, nhất là những tên thôn, tên tổng mà hiện nay nhiều địa danh không còn hoặc đã biến đổi cùng với quá trình phát triển. Bộ sưu tập con dấu đã đề cập đến 30 địa danh thôn, 7 địa danh tổng, 3 địa danh phủ/huyện. Về địa danh thôn, tập trung nhiều nhất là ở tổng An Vinh phủ Tuy An với 18 tên thôn, tiếp đến là tổng Sơn Lạc huyện Sơn Hòa 4 tên thôn; tổng Hòa Đa phủ Tuy Hòa 3 tên thôn; tổng Hòa Bình phủ Tuy Hòa 2 tên thôn; các tổng An Hải phủ Tuy An, Hòa Lộc và Hòa Mỹ phủ Tuy Hòa mỗi tổng 1 tên thôn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Công Việt, Ấn chương Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
2. Trần Thanh Tâm, Tìm hiểu quan chức triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa, Huế, 2002.
3. Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Phú Yên, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
4. UBND tỉnh Phú Yên, Lịch sử Phú Yên thế kỷ XIX, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
Bài và ảnh: Nguyễn Hữu An
|
Các tin cùng chuyên mục:
-
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống (14/09/2022)
-
Mộ tháp cá voi - di tích độc đáo ở Phú Yên (25/04/2022)
-
Đưa bảo tàng đến gần với công chúng (24/03/2022)
-
Xuất bản ấn phẩm giới thiệu về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Phú Yên (19/11/2021)
-
Tiền cổ và những giá trị lịch sử, văn hóa (29/07/2021)
- Phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch Phú Yên
- Ghềnh Đá Đĩa | Tuyệt Tác Của Thiên Nhiên Phú Yên | Cảnh Đẹp Việt Nam | Flycam 4K
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 2) | VTV Review
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 1) | VTV Review
- Hành trình khám phá Phú Yên, xứ sở Hoa Vàng Cỏ Xanh cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh
Liên kết hệ thống phần mềm
Liên kết các website
Thống kê truy cập