Phú Yên là địa bàn sinh sống của nhiều thành phần dân tộc. Trong quá trình tồn tại và phát triển, cộng đồng các dân tộc đã không ngừng sáng tạo ra những giá trị văn hóa phong phú, đa dạng để phục vụ nhu cầu đời sống và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, hình thành nên những giá trị văn hóa quý báu, mang đậm bản sắc. Trong đó, trang phục truyền thống là một bộ phận quan trọng, chứa đựng những giá trị đặc thù, là cơ sở để nhận diện từng cộng đồng riêng biệt trong đại gia đình các dân tộc.
Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Phú Yên trước đây chủ yếu được tạo ra từ sản phẩm của nghề dệt thủ công, gắn với quá trình lao động và sáng tạo miệt mài, cần mẫn của người phụ nữ. Với kinh nghiệm tích lũy qua nhiều đời và sự khéo léo trong kỹ thuật dệt, tinh tế trong cách bố cục màu sắc và trang trí hoa văn, người ta đã tạo ra những bộ trang phục mang giá trị đặc sắc, không chỉ đáp ứng về nhu cầu mặc, nhu cầu làm đẹp, mà còn phản ánh về văn hóa, phong tục, tín ngưỡng, tư duy thẩm mỹ, nếp sống, sinh hoạt của cộng đồng.
Mỗi dân tộc đều có bộ trang phục mang nét đặc trưng, với phong cách, đường nét, màu sắc riêng biệt, phản ánh sinh động các yếu tố về đặc điểm tự nhiên vùng đất cư trú, thành phần, nguồn gốc, trình độ phát triển kinh tế xã hội, phong tục tập quán của tộc người. Tuy vậy, do có quá trình cộng cư, tiếp xúc và giao thoa văn hóa từ lâu đời, nên trang phục các dân tộc cũng có những đặc điểm tương đồng, thể hiện rõ nhất ở nguồn nguyên liệu tạo trang phục, kỹ thuật dệt vải, kỹ thuật nhuộm màu, mô típ hoa văn,…
Hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt của đời sống xã hội, sự đa dạng của thị trường trang phục, thế hệ trẻ theo xu hướng sử dụng trang phục hiện đại, các sản phẩm dệt thủ công không còn phổ biến, số người biết dệt thổ cẩm ngày càng ít, việc trồng bông, tạo sợi, nhuộm màu bằng các loại nguyên liệu tự nhiên không còn nữa, mà chủ yếu là sử dụng sợi công nghiệp để dệt vải. Mặc dù vậy, với nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa, thế hệ đi trước luôn tích cực truyền dạy kỹ thuật dệt cho lớp trẻ, những bộ trang phục truyền thống mang phong cách riêng vẫn được tạo ra và sử dụng vào những dịp lễ nghi theo phong tục của mỗi cộng đồng.
Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt; trên cơ sở tham khảo các công trình nghiên cứu về văn hóa các dân tộc đã được xuất bản; đồng thời qua khảo sát, thu thập dữ liệu từ thực tế và dựa trên số hiện vật trang phục các dân tộc đang lưu giữ, trưng bày, Bảo tàng Phú Yên tổ chức biên soạn, xuất bản ấn phẩm “Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Phú Yên” nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 16 (23/11/2005 – 23/11/2021), Bảo tàng Phú Yên trân trọng giới thiệu ấn phẩm “Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Phú Yên” với bạn đọc.
Nguyễn Hữu An
Các tin cùng chuyên mục:
- Phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch Phú Yên
- Ghềnh Đá Đĩa | Tuyệt Tác Của Thiên Nhiên Phú Yên | Cảnh Đẹp Việt Nam | Flycam 4K
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 2) | VTV Review
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 1) | VTV Review
- Hành trình khám phá Phú Yên, xứ sở Hoa Vàng Cỏ Xanh cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh
Liên kết hệ thống phần mềm
Liên kết các website
Thống kê truy cập