Đến thời điểm hiện tại, Phú Yên là một trong những địa phương phát hiện được một khối lượng tiền cổ kim loại nhiều nhất trong cả nước. Việc phát hiện này diễn ra sôi động nhất vào những năm 2000-2004. Đầu tiên là trường hợp phát hiện tại thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa vào tháng 7/2000, với số lượng khoảng 250kg; tiếp đến là phát hiện tại thôn Hà Giang, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh vào tháng 3/2001, với số lượng 235kg; sau đó là hàng loạt các phát hiện khác tại các xã: Sơn Hà, Hòa Kiến, Hòa Định Đông, Hòa Phong, An Chấn,… và cả ở đường Nguyễn Thái Học nằm trong trung tâm thành phố Tuy Hòa. Từ các phát hiện đó, Bảo tàng Phú Yên đã tiếp nhận và lưu giữ được hơn 1.400kg tiền cổ.
Tiền cổ kết dính thành khối do tồn tại lâu ngày trong lòng đất
Phần lớn tiền cổ được phát hiện bởi những người rà tìm phế liệu tình cờ tìm thấy trong lòng đất, cũng có trường hợp phát hiện trong khi đào móng làm nhà hoặc trong khi canh tác. Khi phát hiện, tiền cổ thường được chôn trong các hũ sành, nhưng ngay sau khi phát hiện các hũ đựng tiền hầu hết bị đập vỡ, Bảo tàng tỉnh không tiếp nhận được trường hợp nào còn nguyên vẹn. Do tồn tại lâu ngày trong lòng đất nên phần nhiều tiền cổ đã bị oxy hóa và kết dính thành khối, nhiều trường hợp không còn đọc được hiệu tiền. Tuy vậy, cũng có trường hợp chất lượng tiền còn khá tốt, nguyên vẹn về hình dáng và nét chữ.
Đặc điểm cơ bản của sưu tập tiền cổ tại Bảo tàng Phú Yên
Trong số tiền cổ Bảo tàng Phú Yên tiếp nhận được, qua xử lý và phân loại bước đầu, đã có được một sưu tập với 161 hiệu tiền. Trong đó có 34 hiệu tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam gồm: tiền triều Lý (1 hiệu), tiền triều Hồ (1 hiệu), tiền triều Lê sơ (6 hiệu), tiền triều Mạc (1 hiệu), tiền triều Lê trung hưng (12 hiệu), tiền của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong (2 hiệu), tiền triều Tây Sơn (4 hiệu), tiền triều Nguyễn (4 hiệu), tiền không chính triều (3 hiệu); 68 hiệu tiền có xuất xứ từ Trung Quốc gồm: tiền triều Đường (3 hiệu), tiền triều Hậu Tấn (1 hiệu), tiền triều Tống (47 hiệu), tiền triều Kim (3 hiệu), tiền triều Nguyên (5 hiệu), tiền triều Minh (7 hiệu), tiền triều Thanh (2 hiệu); đặc biệt, có hai hiệu tiền của Triều Tiên là Hải Đông Thông Bảo và Triều Tiên Thông Bảo; còn lại là các hiệu tiền chưa thể tra cứu và xác định được nguồn gốc, niên đại.
Về đặc điểm, tiền có dạng hình tròn với đường kính dao động từ 2cm – 2,3cm, dày từ 1mm – 2mm, ở giữa có lỗ hình vuông, ở viền ngoài có gờ nổi. Trên mặt mỗi đồng tiền có đúc nổi 4 chữ Hán, trong đó có 2 chữ là niên hiệu của đời vua đã đúc ra nó. Chữ thể hiện trên mặt tiền hầu hết là dạng chữ Chân, một số ít bằng chữ Thảo, chữ Triện. Cách đọc chữ trên mặt tiền phần nhiều là đọc chéo (theo thứ tự: trên, dưới, phải, trái), cũng có một số đọc vòng tròn theo chiều kim đồng hồ (theo thứ tự: trên, phải, dưới, trái).
Về chất liệu, tiền được đúc bằng hợp kim với các thành phần: đồng, kẽm, chì, thiết,… trong đó đồng là nguyên liệu chính, có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng tiền. Các hiệu tiền khác nhau được đúc vào những thời điểm khác nhau có thể chứa hàm lượng các thành phần kim loại trên với tỉ lệ khác nhau, điều này phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị, xã hội và bối cảnh lịch sử của từng thời điểm cụ thể.
Tiền Minh Mạng Thông Bảo
(Đời vua Minh Mạng, 1820-1840)
Trong lịch sử tiền tệ Việt Nam dưới thời các triều đại phong kiến, các hiệu tiền Quang Thuận Thông Bảo và Hồng Đức Thông Bảo đúc vào đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) được xem là những đại diện tiêu biểu. Những hiệu tiền này ra đời trong điều kiện đất nước thái bình thịnh trị, kinh tế phát triển, xã hội ổn định. Tiền được đúc với số lượng lớn. Kỹ thuật đúc và kỹ thuật pha chế kim loại đạt đến đỉnh cao. Tiền vừa có chất lượng tốt, vừa có giá trị thẩm mỹ. Chính vì vậy, nó chiếm vị trí chủ yếu trong lưu thông ở thời điểm bấy giờ. Trong sưu tập tiền cổ phát hiện ở Phú Yên, có sự hiện diện của các hiệu tiền này.
Những địa điểm phát hiện tiền cổ với số lượng lớn
Khi nghiên cứu về sưu tập tiền cổ, việc xác định các địa điểm phát hiện và kết nối các địa điểm đó lại với nhau có thể giúp nhận định một số vấn đề về đặc điểm kinh tế xã hội của một vùng đất. Trong các địa điểm phát hiện tiền cổ ở Phú Yên, có những địa điểm rất đáng chú ý, đó là:
Địa điểm thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa
Đông Phước là một địa danh cổ nằm ở phía bắc cửa sông Ba. Địa bạ triều Nguyễn lập năm Gia Long thứ 14-15 (1815-1816) đã đề cập đến vùng đất này với tên gọi lúc bấy giờ là Phước Toàn xã, thuộc tổng Trung huyện Đồng Xuân. Sau năm 1832 (thời điểm vua Minh Mạng tiến hành cuộc cải cách hành chính lớn trên cả nước), địa danh hành chính Phước Toàn xã đổi tên thành Đông Phước, thuộc tổng Hòa Bình, huyện Tuy Hòa(1). Trong khoảng thời gian từ năm 1841 đến năm 1915, Đông Phước giữ vị trí là thủ phủ của Tuy Hòa. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Lỵ sở huyện Tuy Hòa: ở xã Đông Phước. Trước kia, ở xã Phú Thứ. Năm Thiệu Trị thứ 1, dời đến đây”(2). Dấu ấn của trung tâm thủ phủ Tuy Hòa còn lưu lại đến ngày nay qua các địa danh: vườn Phủ, vườn Trường, vườn Ông Lớn, cầu Nha Môn, gò Nha Môn, lạch Bà Huyện,…
Về điều kiện tự nhiên, Đông Phước nằm ở vị trí hợp lưu của các dòng chảy: lạch Bàu Dài – sông Bến Lội – sông Chùa (một nhánh của sông Ba, tách ra ở vị trí gần cửa sông), tạo thành ngã tư đường thủy, rất thuận lợi cho hoạt động giao thông trên sông nước, một hình thức di chuyển thịnh hành trong quá khứ. Ngoài yếu tố trên, địa hình Đông Phước tạo thành từ một quần thể gò, bãi, các doi đất phù sa ven sông và nhiều lạch nước nhỏ từ sông Ba tràn vào trong mùa mưa, ngày nay hầu hết đã bị bồi lấp và trở thành ruộng lúa. Vị trí phát hiện tiền cổ cũng nằm trên một gò đất có tên là gò Dài.
Địa điểm thôn Hà Giang, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh
Đây là một vị trí nằm về phía bờ Nam sông Ba, cách cửa sông khoảng 40km. Hà Giang nguyên trước có tên là Nhiễu Giang, địa danh này được đề cập trong địa bạ triều Nguyễn với tên gọi ở thời kỳ đầu là phường Sông Nhiễu thuộc tổng Trung huyện Tuy Hòa, đến năm 1832 đổi lại là thôn Nhiễu Giang thuộc tổng Hòa Lạc cùng huyện(3). Địa hình Nhiễu Giang có núi che chắn ở hai phía Đông, Tây; phía Bắc tiếp giáp sông Ba. Đối diện phía bên kia sông là thôn Thạnh Hội (nay thuộc xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa), cũng là một địa danh cổ, hình thành cùng thời với Nhiễu Giang. Cách Nhiễu Giang khoảng 7km về phía đông là Thạch Thành (nay thuộc thôn Liên Thạch, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa), một trung tâm giao dịch giữa đồng bằng và miền núi hình thành từ rất sớm trong lịch sử. Thời Nguyễn, nhà nước có thành lập trường giao dịch tại Thạch Thành để đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa và phục vụ việc thu thuế. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Nguồn Thạch Thành ở xã Thạch Thành phía Tây huyện Tuy Hòa, có trường giao dịch và thủ sở ở đây; nước từ sông Ba chảy ra qua phía Nam huyện lỵ đổ ra tấn Đà Diễn”(4). Nhiễu Giang tuy nằm cách Thạch Thành không xa theo trục sông Ba, song từ Thạch Thành lên đây bị cản trở bởi một bãi đá nổi tại vị trí Mặt Hàn (đập Đồng Cam hiện nay). Các phương tiện vận chuyển đường thủy trên sông Ba đến vị trí Mặt Hàn đều phải dừng lại để đưa hàng hóa lên bờ và tiếp tục di chuyển bằng đường bộ men theo bờ sông để qua khỏi Mặt Hàn, rồi mới trở lại đường sông. Chính vì đặc điểm này mà ở đây hình thành một địa danh gắn với hoạt động trên bến dưới thuyền, đó là bến Chuyên.
Nhận định bước đầu
Việc phát hiện một lượng lớn tiền cổ ở Phú Yên cho thấy trong quá khứ nơi đây đã từng có hoạt động giao thương diễn ra mạnh mẽ. Hầu hết các địa điểm phát hiện tiền cổ phân bố ở lưu vực sông Ba, có những địa điểm nằm sát bên bờ sông. Sông Ba là con sông lớn nhất ở khu vực Nam Trung Bộ, đây là trục đường thủy rất quan trọng nối thông lên vùng Tây Nguyên. Những phát hiện tiền cổ càng chứng minh rõ nét đây là con đường thông thương nối vùng cao nguyên rộng lớn với vùng đồng bằng và biển trong lịch sử. Đông Phước và Hà Giang, những vị trí phát hiện được rất nhiều tiền cổ đều là những tụ điểm dân cư hình thành từ rất sớm gắn với hoạt động giao lưu mua bán dọc theo sông Ba. Đông Phước nằm gần cửa sông, có thể đã từng giữ vai trò là một thương cảng; Hà Giang nằm về phía thượng nguồn với vai trò như một vị trí trung chuyển hàng hóa quan trọng.
Trong lịch sử, có những thời điểm vùng đất Phú Yên xảy ra nhiều biến động. Có lẽ đây là nguyên nhân dẫn đến một khối lượng lớn tiền cổ bị chôn vùi trong lòng đất. Những chủ sở hữu của nó có thể vì nhiều lý do phải di tản đi nơi khác, sau đó không còn trở lại vùng đất cũ, vì vậy khối tài sản của họ cũng bị lãng quên.
Tiền cổ nói chung và sưu tập tiền cổ phát hiện ở Phú Yên nói riêng là di sản văn hóa hàm chứa nhiều giá trị. Tiền cổ không chỉ có vai trò là vật trung gian trong hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa, mà còn khẳng định quyền lực của một chính thể đối với việc điều hành nền kinh tế của đất nước. Mỗi hiệu tiền cổ có thể phản ánh nhiều mặt từ tình hình chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa cho đến các vấn đề về phát triển khoa học kỹ thuật, mỹ thuật ở thời điểm nó được đúc ra và lưu hành. Vì vậy, tiền cổ là một trong những nguồn tư liệu quan trọng có niên đại cụ thể, đảm bảo tính xác thực đối với việc nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, các hoạt động kinh tế xã hội của cả đất nước hay một vùng đất.
Chú thích:
(1), (3) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Phú Yên, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
(2), (4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.
Bài và ảnh: Nguyễn Hữu An
Các tin cùng chuyên mục:
-
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống (14/09/2022)
-
Mộ tháp cá voi - di tích độc đáo ở Phú Yên (25/04/2022)
-
Đưa bảo tàng đến gần với công chúng (24/03/2022)
-
Xuất bản ấn phẩm giới thiệu về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở Phú Yên (19/11/2021)
-
Giới thiệu về bộ sưu tập con dấu thời Nguyễn (25/08/2021)
- Phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch Phú Yên
- Ghềnh Đá Đĩa | Tuyệt Tác Của Thiên Nhiên Phú Yên | Cảnh Đẹp Việt Nam | Flycam 4K
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 2) | VTV Review
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 1) | VTV Review
- Hành trình khám phá Phú Yên, xứ sở Hoa Vàng Cỏ Xanh cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh
Liên kết hệ thống phần mềm
Liên kết các website
Thống kê truy cập