Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên <
Huyền thoại vũng rô

Chuyên mục: Ban Quản lý di tích | Đăng ngày: 29/12/2021

Thời chiến tranh Vũng Rô (Phú Yên) được chọn là một trong những bến tiếp nhận những con tàu không số chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Vũng Rô đi vào lịch sử như một huyền thoại kẻ địch sửng sốt gọi là “Sự kiện Vũng Rô” tháng 12-1965. Năm 1998, Vũng Rô được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 23-10-2021 Vũng Rô kỷ niệm 60 năm “ Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Từ TP. Tuy Hòa theo Quốc lộ 1 về phía Nam hơn 30km đến Đèo Cả có con đường đi xuống Vũng Rô. Thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

“Dừng chân đứng lại: Trời – Non – Nước”. Bất cứ nơi nào có đủ Trời – Non – Nước, nơi ấy là một phong cảnh xinh đẹp, hữu tình. Vũng Rô hữu tình, đồng thời hùng vĩ hơn, vì những bãi, những mỏm, tự nó đã tạo thành một tổng thể, trong cái tổng thể lớn lao cùng với Đá Bia -  Đèo Cả.

Vịnh Vũng Rô có diện tích trên 16km² mặt nước, được bao bọc bởi ba dãy núi cao Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà từ ba phía Bắc, Đông và Tây. Phía Nam vịnh là Mũi Điện - nơi đón ánh mặt trời đầu tiên từ đất liền của Tổ quốc và có ngọn hải đăng Mũi Điện nổi tiếng. Được che chắn bởi các dãy núi, nên không có sóng lớn, gió mạnh nào tràn vào. Cả một vùng nước bao la chỉ có những con sóng nhỏ lăn tăn vờn đuổi nhau. Với nước sâu và êm  sóng, Vũng Rô rất thuận tiện cho các tầu cập bến ăn hàng, trả hàng và tránh bão. Trên các dãy núi quanh vịnh có nhiều hang động, thuận lợi cho việc trú ngụ hay cất giấu vũ khí, lương thực. Theo địa chí Phú Yên, Vũng Rô có 12 bãi nhỏ gồm: Bãi Lách, bãi Mù U, bãi Ngài, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Hồ, bãi Hàng, bãi Nhỏ, bãi Chính, bãi Bàng, bãi Lau, bãi Nhãn.

Trở thành huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và đoàn tàu không số trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đầu năm 1964, quân và dân Phú yên đã giành nhiều thắng lợi lớn trên chiến trường. Mặc dù quân và dân ở đây đã tự lực cánh sinh bằng cách lấy vũ khí của địch đánh địch và tự chế tạo vũ khí nhưng thời điểm đó có nhiều người con ưu tú xứ Nẫu tham gia bộ đội, du kích. Cùng với đó địch cũng mở nhiều đợt tấn công để đánh chiếm vùng tự do… Chính vì vậy vũ khí, khí tài phục vụ chiến đấu của Phú Yên và các tỉnh lân cận vô cùng thiếu thốn. Chiến trường này đã đề nghị miền Bắc chi viện vũ khí. Mặc dù lúc này tuyến chi viện ở Trường Sơn đã mở đến Quảng Nam, nhưng Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk vẫn bị chia cắt nên mỗi lần đi nhận vũ khí phải mất từ 1-3 tháng và vận chuyển không được nhiều, thường xảy ra hy sinh, tổn thất lớn. Vì thế việc lựa chọn vận chuyển bằng đường biển là chiến lược phù hợp với thực tế bấy giờ. Sau khi nhận được chỉ thị của Trung Ương về tiếp nhận vũ khí, tháng 7-1964, Ban thường vụ Liên Tỉnh ủy 3 và Phân khu Nam đã họp để chọn các phương án tiếp nhận vũ khí. Hàng loạt các vị trí dọc 189 km bờ biển của tỉnh Phú Yên đều được đưa ra xem xét và cân nhắc. Có hai phương án, một là chọn Vịnh Xuân Đài-Sông Cầu. Đây là vịnh có địa thế tốt, nước sâu, tàu ra vào, trú ẩn tiện. Các xã xung quanh có phong trào cánh mạng khá, ta làm chủ liên hoàn. Nhưng vịnh có nhược điểm là hành lang phía sau hẹp, do vậy khi tiếp nhận và vận chuyển một lượng hàng hóa lớn sẽ dễ bị lộ…Phương án thứ hai là là vịnh Vũng Rô. Đây có thế mạnh nước sâu, nhiều hang hốc đá thuận tiện cho cất giấu hàng hóa và vận chuyển về phía sau. Sau khi đánh giá, phân tích các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” Vũng Rô đã được quyết định lựa chọn là nơi tập kết hàng hóa của những con tàu không số huyền thoại. Theo lịch sử ghi lại, đồng chí Trần Suyền (Sáu Râu)-Ủy viên Thường vụ Liên Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thay mặt Liên Tỉnh ủy 3, Tỉnh ủy Phú Yên, Huyện ủy Tuy Hòa nhận nhiệm vụ tổ chức bến, hành lang lực lượng bảo vệ để đón tàu và tiếp nhận cất giấu, vận chuyển vũ khí, hàng hóa về căn cứ.

Giữa năm 1964 đồng chí Trần Suyền cùng một trung đội vũ trang về thành phố Tuy Hòa huy động thanh niên Hòa Hiệp, Hòa Tân tổ chức đường dây từ bãi Chính qua bãi Môn đến bãi Tiên để lực lượng dân công các xã Hòa Tân, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ chuyển vũ khí, hàng hóa về căn cứ. Trong lúc đang chuẩn bị thì hai đội địch càn quét Hòn Dôm, núi Quéo xã Hòa Hiệp (vùng giải phóng), mưu đồ đóng quân ở cao điểm dòm ngó khống chế rừng Xép và sông Bàn Thạch. Lập tức một đại đội quân khu Nam phối hợp với du kích Hòa Hiệp tiêu diệt một trung đội địch giữa vùng giải phóng Hòa Hiệp Nam.  Các mũi công tác ở Hòa Xuân liên tục đột nhập ấp chiến lược diệt ác, du kích Hòa Hiệp phát động quần chúng, gặp người trông nom đèn biển ở Mũi Điện giải thích chính sách Mặt trận đề nghị họ về nhà làm ăn. Vùng giải phóng rộng lớn từ Vũng Rô đến Đông tác giáp đường Quốc lộ 1 nhân dân làm chủ hoàn toàn. Hàng trăm nam nữ thanh niên có ý thức chính trị vững vàng, sức khỏe tốt ngày đêm bí mật dọn đường, làm kho trong gộp đá, chặt cây xẻ gỗ, bứt dây rừng làm cầu tàu dã chiến ra biển dài 20m, ngày tháo ra, đêm ráp lên. Địch bót Pơ-Tý dòm ngó hàng ngày cũng không hay biết, vì ta luôn cảnh giác ngụy trang chu đáo, máy bay địch đi tuần tra cũng không phát hiện được.

 

Đêm 23-11-1964, chuyến tàu không số do đồng chí Hồ Đắc Thạnh chỉ huy và thủy thủ đều là người khu V- cập bến Vũng Rô. Bộ đội dân công chuyển hàng trăm tấn vũ khí lên bờ và chuyển xuống đá, cát để dằn tàu, chặt cây ngụy trang để tàu kịp nhổ neo trong đêm.

 

Vũ khí còn trên đường vân chuyển thì tàu thứ 2 tiếp cập bến trong dịp Noel. Chuyến thứ 3 cập bến vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài vũ khí còn có gạo, thuốc, bánh kẹo của Bác Hồ cho chiến sĩ miền Nam, dân công các xã Nam Tuy Hòa bí mật chuyển về căn cứ. Dân công chuyển ngày đêm vất vả, có lúc thiếu gạo phải ăn củ rừng, lá rừng để giữ bí mật cho đợt công tác này. Chuyến thứ tư vào đêm 12-5-1965 cập bến xuống hàng nhưng tàu không rời kịp bến trong đêm. Sáng 16-2 tình cờ địch phát hiện, huy động lực lượng hải quân ở Phú Yên, không quân ở quân đoàn 2 Nha Trangbao vây đánh phá suốt 3 ngày. Ta tổ chức đánh trả cho mìn phá tàu và chuyển vũ khí vào kho bí mật, tổ chức đưa 14 thủy thủ lên đường Trường Sơn ra miền Bắc, đồng chí thuyền trưởng bị thương. Về sự kiện này, địch đã la lối om sòm. Trong báo cáo chúng đã viết “ Lúc 10h 30 phút ngày 16.2.1965 trung úy phi công Gie – nơ Ba – cơ của lục quân Mỹ trong khi lái một chiếc máy bay lên thẳng HU18 làm nhiệm vụ tải thương từ từ Qui Nhơn vào bỗng thấy một tàu lạ được ngụy trang nằm ở Vịnh Vũng Rô. Trung úy Ba-cơ lập tức báo cho cố vấn Mỹ chỉ huy vùng duyên hải II là thiếu tá Hac-vay P.Rốt-giơ của hải quân Mỹ ở Nha Trang. Thiếu tá Rốt-giơ báo ngay tin này cho người cộng sự của mình là Thiếu tá Thoại của Hải Quân Việt Nam – Tư lệnh vùng duyên hải II và bố trí một máy bay đi điều tra một tàu lạ bị phát hiện. Một lúc sau có báo cáo đó là một tàu loại đánh cá dài khoảng 130 feet có lượng rẽ sóng khoảng 100 tấn”.

 

Từ đó địch cho một đại đội thuộc sư đoàn 23 ở Tuy Hòa vào bằng chiếc tàu đổ bộ LSM, một đội “hải cẩu” của Hải quân cung cấp người lặn. Sáng ngày 17-2, tàu hải quân địch rập rình đổ bộ lên Bãi Chính, Bãi Lau. Bộ đội đơn vị K60, du kích và thủy thủ của ta từ bờ bắn ra rất mạnh, nhiều lần đẩy lùi tàu địch ra giữa vịnh. Ngay trong đêm ta rút tiểu đội ở Bãi Lau về bãi Chính, điều động thêm một đội du kích xã Hòa Hiệp, một trung đội miền đóng ở huyện Tuy Hòa cùng đơn vị K60, quân giải phóng mới thành lập hiệp sức đánh trả địch đổ bộ. Địch cho máy bay khu trục, trực thăng vũ trang đánh phá nhiều đợt, tàu địch áp sát bãi Chính đổ bộ lên bãi Bàng, ta nổ súng diệt nhiều tên. Cuộc chiến kéo dài từ ngày 17 đến 19-2 địch chết hơn 10 tên ở Suối Khế, ta có 2 du kích hy sinh, đồng chí Thiên – Thuyền trưởng bị thương.

 

Sáng 20 -2 máy bay pháo binh địch bắn pháo mở đường lên bãi Xép đánh vào Bùng Binh, Hang Vàng, ta dùng củi khô chất đốt hàng tấn thuốc nổ, nhiều tảng đá bắn ra tứ phía, hàng chục lính địch ngã lăn quay, chúng khiêng xác và thương binh rút xuống tàu, chấm dứt cuộc can tàu bằng đường biển. Ta thu dọn vũ khí ở kho, tiếp tục vận chuyển về căn cứ.

 

Đầu tháng 3 – 1965 địch dùng máy bay B52 rải bom vào núi dọc hành lang phía nam huyện Tuy Hòa suốt 10 ngày đêm, mỗi ngày 5,7 đợt. Ngày 19-3 địch cho 30 xe M113 từ Thạch Tuân càn xuống phía đông, máy bay khu trục ném bom trong núi, ngoài làng, tiêu hủy toàn bộ thôn Lạc Long. Bộ đội huyện phối hợp du kích chống càn bắn cháy 2 xe M113 diệt nhiều địch.

 

Trong đợt này một trung đoàn ngụy có máy bay trợ chiến phối hợp càn quét Hòa Hiệp. Bộ đội địa phương và du kích xã Hòa Hiệp diệt 81 tên địch có 2 cố vẫn Mỹ, giữ vững vùng giải phóng, ta hy sinh 15 chiến sĩ.

 

Tiếp nhận vũ khí viện trợ từ miền Bắc XHCN chuyển vào, chiến sĩ, cán bộ, đồng bào Phú Yên đã tập trung sức lực, mồ hôi xương máu chịu đựng tàn phá của địch liên tục trong suốt 5 tháng liền, vùa lo cho mình vừa làm nhiệm vụ chi viện cho các tỉnh bạn.

"Sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng đường Hồ Chí Minh trên biển gắn với những con Tàu Không số mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta; là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm, khí phách anh hùng của dân tộc ta. Vì nghĩa lớn, nhiều đồng chí cùng với con tàu đã mãi mãi ở lại với biển cả, với non sông đất nước, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tổ quốc mãi mãi ghi công, đời đời ghi nhớ những hy sinh cao cả của các đồng chí và biết bao đồng bào, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước".

Trần Thị Ngọc Huyền - Ban QLDT

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Các tin cùng chuyên mục:
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái - Giám đốc Sở
ĐT: 0257 3554577     ĐTDT: 0982 509 091
Ông Nguyễn Văn Bình - Chánh Văn phòng Sở
ĐT: 0257.3555672     ĐTDĐ: 0392738089
Bà Trần Hoa Thắng - Chánh Thanh tra Sở
ĐT: 0257.3826153     ĐTDĐ: 0982194255
Thanh tra Sở Nội vụ
ĐT: 0257 3842733
Phòng CCHC Sở Nội vụ
ĐT: 0257 3842954
  • Phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch Phú Yên
  • Ghềnh Đá Đĩa | Tuyệt Tác Của Thiên Nhiên Phú Yên | Cảnh Đẹp Việt Nam | Flycam 4K
  • Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 2) | VTV Review
  • Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 1) | VTV Review
  • Hành trình khám phá Phú Yên, xứ sở Hoa Vàng Cỏ Xanh cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh

Liên kết hệ thống phần mềm

Thống kê truy cập