Thành An Thổ nằm ở thôn An Thổ, thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, được xây dựng vào năm 1832 và hoàn thành khoảng 1836, là trung tâm hành chính của chính quyền phong kiến ở Phú Yên. Trong thời gian từ 1901 đến 1906 ông Trần Văn Phổ đến giữ chức Giáo thụ tại Tuy An. Ông đã đưa cả gia đình đến An Thổ sinh sống và đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chào đời tại đây vàongày 01/5/1904
Ảnh: Tổng quan về Thành An Thổ
Thành An Thổ nằm ở khu vực hạ lưu sông Cái, đất đai màu mỡ do phù sa bồi đắp, dân cư đông đúc và sinh sống lâu đời, thuận lợi về mặt giao thông. Từ Thành An Thổ có thể đi đến các vùng trong Tỉnh tương đối dễ dàng. Trước đây, đường Thiên lý đi từ phía Bắc qua Thành An Thổ, qua bến đò cây dừa rồi đi về phía nam. Còn đường thủy từ Thành An Thổ theo sông cái đi về phía Đông là cửa biển Tiên Châu và vịnh Xuân Đài, đi ngược về hướng Tây đến tận Tây Nguyên. Đây là vị trí mà Bố chánh Phú Yên Đinh Nho Quang cho rằng: “Thần quan Phú Yên nhất tỉnh, sơn thủy chi thắng vô du Long Uyên” (nghĩa là: Thần xem toàn tỉnh Phú Yên thắng cảnh, núi sông không đâu bằng Long Uyên).
Thành An Thổ có chu vi 340 trượng (khoảng 1.360m), cao 8 thước 5 tấc (4m), đắp bằng đất, có 4 cửa, hào rộng 3 trượng. Theo ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy: Thành An Thổ xây dựng theo kiểu thành Vauban, thành có bình đồ hình vuông với các cạnh tương đối bằng nhau, mỗi cạnh có 04 góc nhô ra để làm các pháo đài. Thành có 04 cổng: Tiền, Hậu, Hữu, Tả mở theo 04 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Cổng chính nhìn ra hướng Đông.
Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết, các công trình kiến trúc trong thành gồm có: “Ở chính giữa thành dựng hành cung, phía trước dựng kỳ đài, phía sau lưng dựng kho tàng; bên tả là Dinh Tổng đốc, Tuần vũ, Án sát; bên hữu là Dinh Bố chánh, Lãnh binh; trại lính thì chia đặt ở các cửa; nhà ngục thì đặt ở phía Bắc”.
Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), vua phê duyệt tấu trình của quan tỉnh Phú Yên cho xây đắp một con đê nhỏ ngăn nước lụt tràn ngập vào thành. Bờ đê ấy sau gọi là đê Hộ Thành, dài 192 trượng, nằm cách Thành An Thổ 300m về phía Nam sát sông Cái. Chiều cao trung bình của đê là 3m, chiều rộng mặt đê từ 5-7m, chân đê choãi ra rộng trung bình từ 10-15m. Phần lớn bờ đê chạy theo hướng Tây-Đông, một phần còn lại dài khoảng 200m chạy theo hướng Đông Bắc. Vết tích còn lại hiện nay là một bờ đất cao khoảng 4-5m (so với mặt ruộng), dài khoảng 1km.
Ảnh: Nhà trưng bày di tích Thành An Thổ
Gần bờ đê có một cánh đồng lúa khá rộng gọi là “Trường bắn”. Tương truyền đây là nơi tập bắn của quân lính trong thành.
Năm Minh Mạng thứ 19, vua chuẩn y lời tâu Tỉnh thành phú Yên cho khai đào một con ngòi từ thượng lưu sông cũ ở bên phía Tả thành để chia thế nước và giảm nước xói. Đối chiếu với sử liệu và thực địa, thì con sông đào trước kia nay chính là sông Vét (hay còn gọi sông Con hoặc sông Nhân Mỹ) chảy cách Thành An Thổ chừng 50m. Đây là một nhánh của sông Cái (sông Ngân Sơn) tách ra tại địa phận thôn Mỹ Long, xã An Dân, chảy theo hướng Đông-Bắc, bọc qua Thành An Thổ rồi nhập vào sông Cái chảy ra cửa biển Tiên Châu. Việc khơi đào con sông này, ngoài lợi ích phòng chống lũ lụt cho khu vực Thành An Thổ, còn mang lợi ích về giao thông và thủy lợi. Về giao thông, đây là con đường thủy nối khu vực tỉnh thành ra cửa biển Tiên Châu. Về thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho những cánh đồng lúa ở hạ lưu phía tả ngạn sông Cái.
Từ cửa Tả thành An Thổ đi về hướng Bắc có một cây cầu nhỏ bắt ngang qua sông Vét. Bên kia cầu là thôn Bình Chánh. Thôn này còn có tên gọi là phường cửa Tả hay “Trại ngựa”.
Có thể nói, Thành An Thổ giữ vai trò là trung tâm chính trị tỉnh Phú Yên từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1899, Tỉnh lỵ Phú Yên chuyển ra Sông Cầu, Thành An Thổ trở thành phủ lỵ phủ Tuy An đến năm 1939.
Ngày nay, di tích Thành An Thổ thuộc thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An. Dấu tích dễ nhận thấy nhất của Thành An Thổ là hào nước xung quanh thành với độ rộng hẹp nhiều chỗ khác nhau. Phần hào nước ở bờ thành phía Đông và phía Tây nay biến thành ruộng lúa. Hào phía Nam và phía Bắc độ sâu từ 2-3m, một số chỗ sâu đến 4m. Theo lời kể của một số cụ cao niên ở thôn An Thổ thì trước đây hào nước quanh thành sâu hơn hiện nay rất nhiều. Dưới đáy hào là một lớp bùn dày, nơi đó đặt hệ thống chông tre hoặc chông sắt. Phía ngoài hào trồng tre thành lũy dày, tạo nên hệ thống phòng thủ hữu hiệu trong thành.
Cửa Tiền, cửa Tả, cửa Hữu hiện còn sử dụng. Đó là các con đường liên thôn đi từ Bình Hòa qua cửa Hữu và Tả đến thôn Bình Chánh; một con đường khác nối từ Thành An Thổ đi qua cửa Tiền để đến thôn Long Uyên. Cửa Hậu chỉ còn một lối mòn vừa đủ 1 người qua. Những công trình phụ trợ xung quanh khu vực thành An Thổ như: Gò Tượng, Xóm ngựa,... còn tồn tại dưới dạng phế tích. Chỉ có chợ Thành hiện nay còn hoạt động.
Di tích thành An Thổ cũng là nơi sinh của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.
Ảnh: tầng 2 (Nơi lưu niệm cố Tổng bí thư Trần Phú)
Thân sinh của đồng chí Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ, sinh năm Ất Sửu (1865). Năm 1897 sau khi đậu giải nguyên trường Nghệ An ông được bổ làm giáo thụ huyện Đức Thọ. Năm 1901 ông được triều đình Huế điều chuyển vào dạy học tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông đã đem cả gia đình vào sinh sống tại Huyện đường Tuy An cũ. Trong thời gian này, đồng chí Trần Phú được sinh ra tại vào ngày 01/5/1904 và gắn bó tuổi thơ của mình từ năm 1904-1907. Năm 1907, ông Phổ được triều đình bổ nhiệm làm tri huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Ông đã đưa gia đình cùng đi và sinh sống ở huyện đường Đức Phổ. Trong phong trào chống sưu cao thuế nặng ở Trung Kỳ diễn ra từ năm 1906-1909, vì chống lại lệnh đàn áp phong trào đấu tranh của thực dân Pháp và Chính phủ bảo hộ Trung Kỳ, ông đã tuẫn tiết tại huyện đường Đức Phổ vào rạng sáng ngày 19/4 năm Kỷ Dậu 1908. Vài năm sau đó (1910), thân mẫu đồng chí Trần Phú cũng qua đời và Ông được người dì ruột nuôi và cho ra Huế ăn học. Nhận thức được cảnh lầm than của đất nước, đồng chí Trần Phú sớm tham gia hoạt động cách mạng. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú - vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta đã để lại cho các thế hệ mai sau một tấm gương cộng sản kiên cường, ý chí cách mạng tiến công, suốt đời phấn đấu hy sinh cho giai cấp và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bản Luận cương chính trị năm 1930 do đồng chí khởi thảo vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Ảnh: Nơi dâng hương đồng chí Trần Phú
Với những giá trị khảo cổ và lịch sử to lớn đó, di tích Thành An Thổ được xếp hạng là di tích khảo cổ quốc gia và năm 2005. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của đồng chí Trần Phú (ngày 01/5), UBND huyện Tuy An và UBND tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân trong và ngoài tỉnh về tham dự.
Ngọc Huyền - Ban QLDT
Các tin cùng chuyên mục:
- Phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch Phú Yên
- Ghềnh Đá Đĩa | Tuyệt Tác Của Thiên Nhiên Phú Yên | Cảnh Đẹp Việt Nam | Flycam 4K
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 2) | VTV Review
- Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 1) | VTV Review
- Hành trình khám phá Phú Yên, xứ sở Hoa Vàng Cỏ Xanh cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh
Liên kết hệ thống phần mềm
Liên kết các website
Thống kê truy cập