Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên <
THÁP NHẠN - PHẦN II

Chuyên mục: Ban Quản lý di tích | Đăng ngày: 12/07/2021

Đặc điểm về Tháp Nhạn

Nằm giữa lòng thành phố, Tháp Nhạn đã trở thành một điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng của người dân nơi đây. Không những vậy, di tích kiến trúc Quốc gia đặc biệt này còn thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm.

Theo văn bia, trước thế kỷ VII, phần lớn các ngôi đền tháp của người Chăm được xây dựng bằng gỗ nên đã bị hư hại, đến nay không còn nữa. Những ngôi tháp xây bằng gạch chỉ xuất hiện từ sau thế kỷ VII cho đến thế kỷ thứ XVI - XVII. Trải qua hàng nghìn năm mưa nắng và chịu tác động qua bao cơn binh lửa, những ngôi tháp còn lại cho đến ngày nay chỉ là một phần của rất nhiều ngôi đền tháp mà người Chăm đã xây dựng.

Ở những khu đền tháp quan trọng được xem là kinh đô cũ của người Chăm như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Pô Naga, Trà Bàn... đền tháp đều do vua và hoàng tộc dựng lên để thờ phụng tổ tiên hoặc các đấng Thần-Vua, hoặc Phật - Vua, những đấng hộ trì vương quyền, còn ở những nơi khác, các công trình tôn giáo thường do các vị đại thần dựng lên để bày tỏ lòng thành kính đối với chư thần và các vương triều mà họ thần phục. Những công trình đền tháp phần lớn xây dựng dưới sự bảo trì và cúng hiến đất đai của các vương triều, chẳng hạn như khu đền tháp Mỹ Sơn đã được Bhadravarman (Phạm Hồ Đạt) trị vì vào những năm 380 - 413 dâng hiến đất đai và khởi dựng để về sau trở thành một khu đền tháp quan trọng nhất của người Chăm.

Di tích Tháp Nhạn được các nhà nghiên cứu xếp vào phong cách kiến trúc chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc Mỹ Sơn A1 và phong cách kiến trúc Bình Định với niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII.

Đặc trưng cơ bản của phong cách kiến trúc chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc Mỹ Sơn A1 và phong cách kiến trúc Bình Định là các bộ phận kiến trúc thiên về hình khối, trên thân tháp có các trụ ốp tường không trang trí hoa văn, các cửa giả thường có hình chóp nhọn. Với những đặc điểm kiến trúc đó, cộng thêm vị trí xây tháp thường nằm trên những ngọn núi cao, do vậy các ngôi tháp thuộc phong cách này thường có dáng vẻ uy nghi  như đang vươn tới trời xanh.

 

Tháp Nhạn tọa lạc trên đỉnh Núi Nhạn, cửa tháp quay mặt về hướng Đông, có 3 phần gồm: đế tháp, thân tháp và mái tháp.

Đế tháp bao gồm nhiều gờ giật và hơi choãi ra tạo cho ngôi tháp một thế vững chắc.

Thân tháp hình trụ vuông có chu vi khoảng 9m x 9m, cả phần đế tháp và thân tháp cao 12,4m. Trên mỗi mặt của thân tháp có trang trí 5 trụ ốp tường (kể cả 2 trụ góc), giữa các trụ ốp có đường gờ giật cấp tạo thành đường rãnh ăn sâu vào thân tháp. Phía dưới và phía trên các trụ ốp tạo hình loe rộng nên trông các trụ ốp tường có thế rất vững chắc. Các trụ ốp tường để trơn, không chạm trổ hoa văn.

Mái tháp có 3 tầng, mỗi tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới. Trên mỗi tầng của mái tháp đều có trang trí cửa giả ở cả bốn mặt. Các cửa giả trên mỗi tầng mái cũng được trang trí rất cầu kỳ, theo mô tả của H.Pacmentier, từ đầu thế kỷ XX vẫn còn thấy được hình thủy quái đang cấu xé những con rắn. Hiện nay chỉ còn thấy một số trụ đá hình chóp cụt 4 mặt đặt đầu trụ ốp ở hai bên các cửa giả trên các tầng mái.

Tầng mái cuối cùng của Tháp Nhạn thu nhỏ dần và kết thúc trên đỉnh tháp là một trụ đá hình chóp nhọn 4 mặt, cao 1,4m,  phía dưới chân của chóp đá này có trang trí 8 cánh sen.

Trên 4 góc của các tầng mái đều có hình chóp nhiều tầng, đó là hình thu nhỏ của các ngôi tháp.

 

Bên trong tháp là một khoảng trống với chiều dài 4,5m, nền tháp cao 1,8m so với sân bên ngoài. Trong lòng Tháp Nhạn hiện có một đài thờ cao 2,5m gồm có một bệ thờ hình khối vuông thắt vào ở giữa có chạm núm vú hình tròn ở cả 4 mặt và cánh sen 3 lớp; một yony có chu vi 1,1m x 1,1m dày 0,28m và một hình lá nhĩ cao 1,2m có chạm hình Mukhalinga. Phía trên đài thờ đặt tượng thờ Thiên Yana, tượng thể hiện ở tư thế ngồi xếp bằng nhưng phần thân và phần chân không rõ. Mặt tượng nghiêm nghị, mắt nhìn thắng về phía trước. Tượng cao 60 cm, vai rộng 20cm, tượng có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ XX.

Lòng Tháp Nhạn có bình đồ hình vuông, diện tích 4,6m x 4,6m, tường phía trong xây theo kỹ thuật xây giật cấp, càng lên cao càng thu hẹp dần và nối với nhau ở viên gạch cuối cùng, vì thế lòng tháp có hình như một chiếc chuông.

 

Gạch xây tháp là loại gạch có kích thước lớn với chiều dài khoảng 40cm, chiều rộng 20cm và chiều dày 8cm. Kỷ thuật xây dựng chống khít các viên gạch lên nhau tạo thành các lớp tường dày từ 2 – 2,5m.

Sân Tháp Nhạn bình đồ hình vuông, mỗi cạnh 38m x 38m, sân lát gạch màu nâu, kích thước gạch 40cm x 40cm.

Ngoài chức năng thẩm mỹ, công trình còn thể hiện sinh động ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hướng thiện, vươn lên, góp phần làm cho văn hóa Việt Nam thêm phong phú, đặc sắc. Qua các lần khảo cổ và hội thảo khoa học, quá trình tạo dựng tháp dự đoán được thực hiện theo nhiều bước. Đầu tiên là chuẩn bị chất kết dính, là một loại keo được tinh chế từ một loài cây thực vật, có thể từ vỏ và lá cây dầu rái. Tiếp theo là đúc gạch theo khuôn định sẵn, nung lần 1. Đất sét được nhào trộn, ủ kỹ, có tỉ lệ cát theo quy định, được bảo dưỡng, đúc gạch và đem nung gạch vừa chín tới, còn độ xốp để dễ gia công và chạm trổ. Sau đó gia công tinh và xếp gạch theo mô hình tháp được liên kết bằng chất kết dính. Xếp tới đâu thì kết hợp chạm trổ, gọt giũa tới đó cho đến khi hoàn chỉnh toàn khối tháp. Bước tiếp theo là nung tháp lần hai. Nung bằng củi, rơm rạ, trấu từ trên xuống dưới, cả trong lẫn ngoài, thời gian nung khá lâu vì tường dày cho tới khi gạch chín có màu đỏ sẫm từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới rồi gọt giũa hoàn thiện khối tháp. Nhưng đó chỉ là suy đoán về khoa học, quá trình tạo dựng Tháp Nhạn vẫn chưa được giải đáp. 

Núi Nhạn và Tháp Nhạn là “hòn ngọc”, là tài sản vô giá không phải đô thị nào cũng có được, bản thân nó đã quá đẹp, cái đẹp cổ kính mới giá trị và quý hiếm, vì vậy tránh làm mất đi vẻ linh thiêng, huyền bí của Tháp Nhạn. Núi và Tháp Nhạn là niềm tự hào của người dân Tuy Hòa; là “núi thơ”, là nỗi nhớ mỗi khi cách núi, xa quê. Hàng năm, mỗi khi xuân đến, tại sân Tháp Nhạn lại rộn ràng với lễ hội Thơ Nguyên tiêu vào rằm tháng Giêng rồi lễ hội Vía Bà từ ngày 21-23/3 âm lịch

Ban Quản lý di tích

 

 

 

 


Các tin cùng chuyên mục:
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái - Giám đốc Sở
ĐT: 0257 3554577     ĐTDT: 0982 509 091
Ông Nguyễn Văn Bình - Chánh Văn phòng Sở
ĐT: 0257.3555672     ĐTDĐ: 0392738089
Bà Trần Hoa Thắng - Chánh Thanh tra Sở
ĐT: 0257.3826153     ĐTDĐ: 0982194255
Thanh tra Sở Nội vụ
ĐT: 0257 3842733
Phòng CCHC Sở Nội vụ
ĐT: 0257 3842954
  • Phát huy giá trị di sản văn hóa phát triển du lịch Phú Yên
  • Ghềnh Đá Đĩa | Tuyệt Tác Của Thiên Nhiên Phú Yên | Cảnh Đẹp Việt Nam | Flycam 4K
  • Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 2) | VTV Review
  • Ngắm Trọn Phú Yên Thanh Bình Tươi Đẹp (Phần 1) | VTV Review
  • Hành trình khám phá Phú Yên, xứ sở Hoa Vàng Cỏ Xanh cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh

Liên kết hệ thống phần mềm

Thống kê truy cập